Những tin đồn và kết luận chính thức Piaractus

Cá chim trắng nước ngọt ở Bình Chánh

"Ở Việt Nam đã có việc phóng sinh hàng tấn cá trong đó có cá chim trắng Colossoma brachypomum, một loài cá ăn thịt đáng sợ. Rất nhiều cá thể của loài này đã vượt khỏi tầm kiểm soát của con người thoát ra vùng lòng hồ. Chúng tấn công ăn thịt rất nhiều các loài cá bản địa, chúng là nỗi khiếp sợ của các loài lưỡng cư, bò sát và ngay cả một số loài thú nhỏ. Tại huyện Thống Nhất, Đồng Nai là cá chim trắng được nuôi trong ao đã cắn đứt ngón tay út của một phụ nữ trong lúc giặt quần áo ở cầu ao. Những con cá chim trắng trên 1 kg trở lên thường hay tấn công đàn vịt con nuôi, chăn thả trong ao, điều đó hầu như không được cảnh báo, để người dân cứ tự phát nuôi thịt loài cá hung dữ này và còn tổ chức phóng sinh loài cá này[7]" (Theo báo news.zing.vn)

Tuy nhiên, trái với tin đồn "cá chim trắng Colossoma brachypomum, một loài cá ăn thịt đáng sợ", theo Báo cáo của Bộ Thủy sản qua nuôi thử nghiệm từ đầu năm 1998 cho thấy, cá chim trắng nước ngọt là loài cá ăn tạp, dễ nuôi, mau lớn, không mang mầm bệnh mới, không là mối đe dọa với các loài vật nuôi khác. Trên cơ sở đánh giá này, năm 2001, Bộ Thủy sản đã đưa cá chim trắng nước ngọt vào danh mục giống thủy sản nước ngọt, được phép nhập khẩu thông thường. Theo các chuyên gia của Bộ, cho đến nay, mô hình nuôi tại 18 tỉnh thành đã đem lại hiệu quả kinh tế, đa dạng hoá cơ cấu nuôi trồng và góp phần xoá đói giảm nghèo cho nông, ngư dân.[8]

Bộ Thủy sản khẳng định: Ngày 17-7-1998, bộ đã có chỉ thị nghiêm cấm nhập khẩu và nuôi cá Piranhas. Loài CCTNN đang được nuôi hiện nay và theo mẫu thu được trong cuộc khảo sát có tên khoa học là Colossoma brachypomum thuộc giống Colossoma họ cá chép mỡ (Characidae). Trong khi đó, Piranhas (cá hổ) là tên tiếng Anh để gọi chung cho 12 loài thuộc giống Pygocentrus và Serrasalmus, họ cá chép mỡ (Characidae). Như vậy, CCTNN và cá hổ cùng một họ nhưng là những loài thuộc các giống khác nhau. Cá hổ là loài cá dữ, chuyên ăn thịt, ưa thích săn mồi sống, còn CCTNN là loài ăn tạp.[9] (CCCTNN: Cá chim trắng nước ngọt)

Còn theo diễn đàn của Liên hiệp các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam,"Cá Chim trắng ăn tạp và phàm ăn. Chúng có bộ răng cửa rất cứng và sắc nên nhiều người lầm đó là loài cá dữ, nhưng thực chất lại hiền lành, chậm chạp"[10]